Cột mốc đánh dấu việc mình chính thức tham gia vào thị trường một cách nghiêm túc có lẽ là lúc mình làm báo cáo định giá lần đầu cho HPG trong một cuộc thi. Vì là lần đầu nên mọi thứ vẫn còn lạ lẫm, nhưng cũng chứa đựng đầy sự nỗ lực vô tư ở trong đó, nhưng một điều khá thú vị là ngay lần đầu tiên đó mình đã nhận ra: Hình như có một lỗ hổng ở đâu đây? Có một lỗ hổng trong việc phân tích, định giá một doanh nghiệp để đầu tư. Một lỗ hổng trên cái bánh donut, và không gì có thể lấp đầy lỗ hổng đó: Đó là sự không chắc chắn của các giả định!
Mình nhớ mình đi loanh quanh thư viện, đi loanh quanh trong nhà khi làm phần valuation, không phải vì nó khó đến độ làm không được, không phải vì mình không thể đưa ra giả định mà mình cảm thấy việc đưa ra các giả định như vậy rất không hợp lý: về tăng trưởng, chi phí vốn, biên lợi nhuận...những giả định hoàn toàn là chủ quan, không hề có công thức cụ thể nào ở đây, chúng kéo thành một chuỗi với các mắt xích được liên kết với nhau, chỉ cần 1 mắt xích hỏng có thể đưa tất cả các giả định khác ra bãi rác. Cái intrinsic value cũng là một khái niệm mơ hồ và k có thật, việc đưa ra một mức giá cụ thể không khác gì kì vọng thị trường phải nghe theo ý mình. Do đó mình không muốn dành quá nhiều nỗ lực để làm việc gì mà sự không chắc quá lớn và rõ ràng đến thế. 2 tuần làm phần valuation phần lớn thời gian là để mình thuyết phục bản thân chấp nhận những điều đó để tham gia cuộc chơi này chứ k phải là ngồi kéo Excel.
Thời gian trôi đi, sau khi trải qua bao nhiêu thăng trầm trên thị trường, sau bao nhiêu doanh nghiệp đã đi qua, sau bao nhiêu lần va chạm với những người làm trong ngành đầu tư, một quan điểm dần được hình thành rõ hơn cho bản thân: Việc phân tích dn có một giới hạn, và cái lỗ trên chiếc bánh donut của việc phân tích không thể bị lấp đầy bởi việc liên tục thêm vào các phân tích sâu hơn về dn.
Nguyên tắc 80/20 sẽ được áp dụng ở đây, chỉ với 20% thông tin bạn đã có thể xử lý tới 60% - 80% các thay đổi trọng yếu của DN, khi cố gắng phân tích thêm nhiều dữ liệu khác, lợi ích thu được sẽ giảm dần, trong khi công sức lại tăng lên đáng kể. Điều này có thể miêu tả theo ngôn ngữ thống kê là: không phải lúc nào thêm thông tin cũng cải thiện được sự hiểu biết (knowledge), đặc biệt thông tin có thể không quan trọng hoặc tệ hơn là nhiễu (noise). Đã vậy, các nhận định vốn đã mang tính không chắc chắn, việc kết nối chúng với nhau thì xác xuất tích lũy cho việc không chắc chắn còn cao hơn nữa. Việc thu hẹp cái bánh donut của phân tích nói cho cùng là điều không thể. Việc đi quá sâu vào những chi tiết nhỏ nhặt đôi khi không giúp hiểu doanh nghiệp rõ hơn, mà chỉ khiến chúng ta tốn thêm thời gian và công sức một cách không cần thiết. Yêu những điều mình phân tích, tiếc nỗ lực mình phân tích dẫn đến một trạng thái tâm lý gọi là “escalation commitment“, từ đó dẫn tới việc yêu cổ phiếu và gây ra những quyết định sai lầm. Quả thực lúc mới vào thị trường, có những doanh nghiệp mình phân tích ngày đêm, dành rất nhiều thời gian nhưng phải cay đắng kết luận là chưa thể đầu tư!
Từ vài năm trở lại đây mình đã không còn quá tập trung vào việc “bới móc” những nhiều nhỏ nhặt của doanh nghiệp, mình chỉ tập trung những điều cơ bản và trọng yếu, những điểm bước ngoặt có thể thay đổi doanh nghiệp, ví dụ trong giai đoạn CK 2020 - 2021 lên mình từng scan và mua các công ty chứng khoán trên sàn để tìm các dấu hiệu cho một cuộc M&A của các doanh nghiệp lớn (vì giấy phép thành lập CTCK gần như không thể xin đc). Từ phân tích dn để đưa nó lên trên thị trường là còn cả một quãng đường dài, mình tìm các để lấp đầy những lỗ hổng đó bằng những cái bánh “donut” khác. Ví dụ như quản trị vốn và tỉ lệ cược đi, không có ai xuất sắc hơn lĩnh vực này bằng những con bạc chuyên nghiệp (poker, blackjack) hoặc trader full time nơi mà xác xuất cho những lần đặt cược đôi khi chỉ hơn nhau vỏn vẹn vài %. Chúng ta cần nhiều hơn việc phân tích bởi phân tích dn là điều cơ bản nhất và dễ dàng nhất mà ai cũng có thể làm được, hãy thử mở bảng điện lên và đặt lệnh thử xem bạn sẽ phải đối mặt với những điều gì, dù bạn có phân tích kĩ đến đâu lúc bấm vào nút “Order” bạn vẫn sợ mình sai mà thôi!
Từ sau giai đoạn đỉnh cao của VNI88 tới giờ, mình vẫn bền bỉ ở lại thị trường, vẫn đầu tư, áp dụng những cách tư duy mà mình chia sẻ ở đây. Ngày xưa cũng mong x2, x3 nhưng giờ đã biết tự khiêm tốn là mình tham gia trên thị trường không thua lỗ trước khi thị trường ép buộc mình phải khiêm tốn.
Trời mưa k đi ăn đc nên viết bâng quơ là chính.